Ba thứ nhà tuyển dụng không muốn thấy ở ứng viên
Trong khi thị trường việc làm ngày một khó, có những sai lầm của chính ứng viên khiến cánh cửa tuyển dụng càng hẹp hơn.
Lindsay Mustain, cựu chuyên gia tuyển dụng của Amazon và hiện là CEO công ty tư vấn sự nghiệp Talent Program (Mỹ), chỉ ra ba thứ những người đang tìm kiếm việc làm nên tránh nếu không muốn bị từ chối ngay từ khi gửi hồ sơ.
Gửi CV liên tục
Đầu tiên, hãy tránh xin việc tại một công ty liên tục, trong thời gian ngắn. “Nếu bạn gửi CV 20 lần trong hai năm qua mà chúng tôi không liên hệ với bạn lần nào, đó chính là dấu hiệu cảnh báo”, Mustain nói. Khi nhìn thấy ứng viên như vậy, bà ngay lập tức nghĩ đến chuyện ứng viên hẳn phải có vấn đề mới không được tuyển.
Dù bạn phù hợp với công việc đến mức nào, nhà tuyển dụng có xu hướng không dành thời gian để đào sâu hơn về ứng viên này. Đây là lúc bạn có mặt trong “danh sách đen” của họ. Vì vậy, hãy cố gắng hạn chế nộp đi nộp lại hồ sơ tại một công ty.
Bật “Open to Work” trên LinkedIn
Một dấu hiệu cảnh báo khác đối với nhà tuyển dụng là các ứng viên bật “Open to Work” trên hồ sơ LinkedIn. “Open to Work” cho mọi người biết bạn đang muốn tìm việc làm.
Mustain nói khi nhìn thấy trạng thái này nhà tuyển dụng biết ngay bạn đang cần gì đó. Điều đó cũng đồng nghĩa ứng viên không kén chọn khi nói đến cơ hội việc làm, không có lộ trình trong sự nghiệp để đi theo hướng tốt hơn.
Nó khiến bạn không có vẻ của một “ứng viên tầm cỡ”, Mustain nhận xét. Ngoài ra, nó làm thay đổi vai trò khi trao đổi giữa ứng viên và nhà tuyển dụng. Thay vì được thuyết phục về với công ty, ứng viên lại ở thế phải thuyết phục nhà tuyển dụng cân nhắc về mình.
Nolan Church, CEO của hãng tuyển dụng Continuum, có chung ý kiến. Từ góc nhìn của nhà tuyển dụng, ông cho biết nó mang đến cảm giác ứng viên tìm việc một cách “tuyệt vọng”.
Thể hiện sự yếu đuối trên mạng xã hội
Cuối cùng, nếu đang thất nghiệp, đừng than thở về việc đó trên mạng xã hội. Mustain đưa ra bài viết ví dụ: “Tôi vừa bị sa thải và phải nuôi hai con, tôi thực sự cần việc làm mới nhanh nhất có thể. Vì vậy, nếu bạn có thể vui lòng giới thiệu tôi với người khác, tôi sẽ rất cảm kích”.
Dù đây là điều đáng thông cảm, những người đăng bài như vậy đang thể hiện họ vô cùng tổn thương và thể hiện điểm yếu tương tự người bật “Open to Work” trên LinkedIn. Thể hiện sự yếu đuối là một cách để đẩy nhà tuyển dụng ra xa hơn.
Thay vào đó, nếu muốn thông báo thất nghiệp và muốn tìm cơ hội mới, Mustain khuyên ứng viên nên kể về nó như một sự khởi đầu mới hay một cơ hội để phát triển, chia sẻ những thành tựu và đóng góp ở công việc cũ. Bạn cũng có thể nói về những gì đã học hỏi được và kinh nghiệm giúp gì được cho mình khi gặp các thách thức trong tương lai. Nó sẽ thể hiện tư duy cầu tiến và thích ứng trong mọi hoàn cảnh của ứng viên trước mắt nhà tuyển dụng.
“Hãy nhớ rằng, bạn không cần một công việc bất kỳ. Thứ bạn muốn là một công việc tốt”, Mustain nói.