Các bệnh về gan nói chung đang gia tăng, nhưng một bệnh đặc biệt đang gây lo ngại cho các bác sĩ và có thể bạn chưa bao giờ nghe nói về nó, đó là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể con người và thực hiện nhiều chức năng quan trọng. Ngoài việc là cơ quan thải độc, nó còn đóng một vai trò quan trọng trong khả năng miễn dịch, tiêu hóa và lưu trữ vitamin.
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là gì?
Ngày nay, gan nhiễm mỡ không do rượu là bệnh gan mãn tính phổ biến nhất trên thế giới. Ước tính, tỷ lệ mắc bệnh trên toàn thế giới ở người lớn là 38% và khoảng 13% ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tổng cộng có khoảng 2,5 tỷ người.
Theo New Scientist, tỷ lệ mắc bệnh này đã tăng lên đáng kể trong những thập kỷ gần đây và con số rất lớn. Vào năm 1990, khi gan nhiễm mỡ bắt đầu được coi là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, ước tính nó ảnh hưởng đến 18,2% dân số toàn cầu.
Đến năm 2020, con số này đã tăng hơn gấp đôi và dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Đến năm 2040, dự báo hơn một nửa dân số trưởng thành sẽ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Lý do cho tỷ lệ phổ biến cao hơn khá đơn giản, ngày càng có nhiều người thừa cân hoặc béo phì. Cân nặng quá mức, đặc biệt khi kết hợp với bệnh tiểu đường type 2, khiến chất béo tích tụ trong các tế bào mỡ ở gan. Hàm lượng chất béo của một lá gan khỏe mạnh là dưới 5% khối lượng. Khi vượt quá mức đó nó được gọi là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Theo TS.BS Hannes Hagström, Bệnh viện Đại học Karolinska ở Stockholm, Thụy Điển, tỷ lệ béo phì, tiểu đường type 2 và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu đang gia tăng song song trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết béo phì đã tăng gần gấp ba kể từ năm 1975 và khoảng 28% dân số toàn cầu đang thừa cân hoặc béo phì.
Nhưng có một cân nặng khỏe mạnh không phải là bạn đã yên tâm. Khoảng 10% số người bị gan nhiễm mỡ không do rượu mặc dù chỉ số khối cơ thể của họ ở mức bình thường. Lý do cho điều này chưa được hiểu rõ, mặc dù theo một bài báo đánh giá năm 2022, có thể một số người có khuynh hướng di truyền tích tụ mỡ trong gan.
Chính xác thì điều gì xảy ra sau khi chất béo tích tụ trong gan vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Vấn đề dường như có liên quan đến stress oxy hóa, nó dường như tăng lên khi chất béo trong gan được sử dụng làm nguồn năng lượng. Điều này sau đó gây ra tình trạng viêm xảy ra.
Triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Điều đáng nói là trong phần lớn các trường hợp bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu không gây ra bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn đầu, hoặc bạn chỉ thấy mệt mỏi nhẹ và hơi đau bụng. Tuy nhiên, khoảng 1/3 số trường hợp sẽ diễn tiến nặng hơn, dần dần làm suy giảm chức năng gan và nếu không được điều trị, bệnh có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
Thực tế, gan đang gặp khó khăn khi hoạt động nhưng chúng ta không cảm nhận được điều đó và đó là một vấn đề lớn.
Gan có khả năng tái tạo đáng kinh ngạc, với khả năng tái sinh hoàn toàn sau khi 90% gan bị loại bỏ hoặc bị tổn thương. Nhưng nó có giới hạn của nó. Khi mô sẹo lấn át, kết quả là xơ gan, thường dẫn đến ung thư và suy gan.
Các triệu chứng của bệnh xơ gan bao gồm vàng da, mệt mỏi, suy nhược, chán ăn, sụt cân, buồn nôn, nôn, đau bụng bên phải, ngứa da và sưng bàn chân, mắt cá chân. Khoảng 80% số người được chẩn đoán mắc bệnh này sẽ chết trong vòng một năm.
Bệnh xơ gan cũng ngày càng gia tăng. Từ năm 2010 đến năm 2019, số ca tử vong đã tăng 10% trên toàn cầu. Chỉ khoảng 1/10 số ca tử vong đó là do bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu gây ra, phần lớn vẫn do virus viêm gan B, C và rượu gây ra.
May mắn thay, bệnh hoàn toàn có thể điều trị được nếu được phát hiện sớm. Đối với đại đa số mọi người, can thiệp lối sống có thể đảo ngược nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Theo Bệnh viện 115 (TPHCM), các khuyến cáo về chế độ ăn gồm xem xét hạn chế năng lượng và loại bỏ các thành phần thức ăn thúc đẩy bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (thực phẩm chế biến, thực phẩm và đồ uống có hàm lượng fructose cao).
Đồng thời, chúng ta nên tăng cường lượng rau, trái cây (mỗi ngày nên ăn tối thiểu 300gr rau xanh, 200gr quả chín tươi). Ưu tiên chọn dầu thực vật (trừ dầu dừa), hạn chế mỡ động vật (trừ mỡ cá).
Một số thức ăn được xem là “thuốc” có tác dụng “giảm mỡ” tốt như dầu đậu nành, đậu hà lan, cà chua tươi chín, ớt vàng, rau ngót, rau cần tây, diếp cá, tỏi, bắp chuối (bông chuối)… Hạn chế ăn thực phẩm giàu cholesterol như mỡ động vật, các loại lòng, phủ tạng, da… động vật, lòng đỏ trứng, não, gan gia súc…
Bên cạnh đó, bạn cần duy trì thói quen vận động thường xuyên, khám định kỳ chuyên khoa gan. Một số trường hợp mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có thể cần phải điều trị bằng thuốc.