Các bài kiểm tra cần làm cho trẻ sơ sinh
Khoảng thời gian đầu sau sinh, sức khỏe và hệ miễn dịch của bé còn non yếu, mẹ nên chú ý cho bé thăm khám sức khỏe định kỳ và thực hiện một số bài kiểm tra sau:
Lấy máu gót chân
Lấy máu gót chân là một trong những bài kiểm tra cung nhấp nhiều thông tin quan trọng về sức khỏe của bé bao gồm các bệnh về rối loạn chuyển hóa và nội tiết. Các bệnh này có thể không triệu chứng ngay sau sinh nhưng có thể gây nguy hiểm khi không được phát hiện và điều trị sớm.
Xét nghiệm này sẽ được thực hiện từ 48 giờ sau sinh bằng cách lấy vài giọt máu từ gót chân bé lên mẫu xét nghiệm. Ngoài ra, khi trẻ sơ sinh sinh non nên được lấy mẫu khi trẻ đủ 37 tuần và cân nặng lúc sinh >2500g.
Chỉ số Apgar
Apgar là bài kiểm tra đầu tiên của hầu hết trẻ sơ sinh nhằm kiểm tra tình trạng tim và hệ hô hấp của bé qua quan sát những biểu hiện đầu tiên. Chỉ số Apgar cho biết nhịp tim, nhịp thở, trương lực cơ, phản xạ và màu sắc của trẻ sau sinh.
- Điểm Apgar từ 7 đến 10: Trẻ sơ sinh có sức khỏe tốt, chỉ cần chăm sóc sau sinh định kỳ;
- Điểm Apgar từ 4 đến 6: Trẻ sơ sinh có vấn đề sức khỏe và phải cần một số biện pháp hồi sức;
- Điểm Apgar dưới 4: Trẻ sơ sinh có sức khỏe kém và phải cần được chăm sóc y tế khẩn cấp+tích cực;
Chỉ số Apgar chỉ đánh giá tình trạng sức khỏe của bé vào những phút đầu đời và kết quả này không khẳng định gì về sức khỏe lâu dài của bé.
Tiêm ngừa viêm gan B
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến cáo, trẻ sơ sinh nên được tiêm chủng ngừa viêm gan B và hoàn thành đầy đủ các liều tiêm nhắc lại vì đây là một loại vacxin có thể bảo vệ con người khỏi các bệnh do virus viêm gan B gây ra.
Viêm gan B là bệnh được lây lan qua đường máu và tiếp xúc với dịch tiết từ cơ thể của người bệnh. Đặc biệt đối với trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mắc bệnh viêm gan B, bé sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao. Do đó, việc tiêm ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh là vô cùng cần thiết.
Thông thường, vắc xin ngừa viêm gan B sẽ được tiêm vào những thời điểm sau:
- Trong 24 giờ sau sinh hoặc 6-12 giờ sau sinh đối với trẻ có mẹ mắc viêm gan B (sẽ tiêm cùng lúc với kháng huyết thanh viêm gan B)
- Trẻ 2 tháng: Mũi 1
- 1 tháng sau mũi 1: Mũi 2
- 1 tháng sau mũi 2: Mũi 3
- 1 năm sau mũi 3: Mũi 4
Tiêm ngừa lao
Tiêm vắc xin phòng lao (BCG) cho trẻ sơ sinh sớm là cách giúp trẻ phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm, tránh những ảnh hưởng đến phổi, có thể gây tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 15 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trẻ vừa mới sinh ra chưa tiếp xúc với trực khuẩn lao thì nên tiêm vắc xin ngay trong 24h đầu tiên để tập dượt cho hệ miễn dịch nhanh chóng nhận diện, cô lập trực khuẩn lao tấn công cơ thể non nớt của trẻ.
Việc chậm trễ tiêm vắc xin phòng bệnh lao cho trẻ sơ sinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao hơn những trẻ đã được tiêm; thậm chí trẻ có thể nhiễm lao ngay những ngày đầu sau sinh do lúc này hệ thống miễn dịch của trẻ còn yếu ớt nên không có đủ khả năng tự bảo vệ cơ thể trước mọi tác nhân xâm nhập – nhất là lao và các loại vi khuẩn khác.
Do đó, chỉ nên hoãn tiêm vắc xin BCG với những trường hợp trẻ đang bị nhiễm khuẩn cấp, đang sốt cao, có bệnh ngoài da trên diện rộng, bị suy giảm miễn dịch nặng, suy dinh dưỡng nặng, trẻ thiếu cân (dưới 2kg).
Với những trẻ sinh non, những trẻ có vấn đề về sức khỏe cần theo dõi, chăm sóc đặc biệt thì đợi đến khi trẻ có thể trạng tốt, cần tiến hành tiêm phòng lao càng sớm càng tốt.
Tiêm Vitamin K
Tiêm Vitamin K là một trong những phương pháp ngăn ngừa tình trạng chảy máu nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh một cách an toàn và hiệu quả. Vitamin K là loại vitamin tan trong chất béo được vận chuyển trong máu, có tác dụng cầm máu, làm đông máu. Loại vitamin này luôn được cơ thể chuyển hóa và đào thải ra ngoài nhanh chóng.
Thông thường vitamin K sẽ được cung cấp cho cơ thể thông qua các loại thực phẩm hằng ngày như các loại rau lá xanh, một số thực phẩm có nguồn gốc từ động thực vật hay được tạo ra từ các lợi khuẩn trong đường ruột. Tuy nhiên, hầu hết trẻ sơ sinh được sinh ra với hàm lượng vitamin K trong cơ thể rất thấp. Đồng thời chúng cũng không thể tự sản xuất vitamin K từ các lợi khuẩn trong đường ruột, hay được cung cấp đủ lượng vitamin này qua sữa mẹ. Do đó, trẻ cần được tiêm vitamin K sau sinh để tránh tình trạng chảy máu do thiếu vitamin K và giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết não gây tổn thương não vĩnh viễn, thậm chí là tử vong.