Những cú lừa ‘kinh thiên động địa’ trong lịch sử ngày Cá tháng Tư
Lịch sử ngày Cá tháng Tư từng chứng kiến những cú lừa “kinh thiên động địa” khiến hàng triệu người tin, nhiều cơ quan thông tin đại chúng lớn cũng tham gia.
Ngày Cá tháng Tư diễn ra vào ngày 1/4 hàng năm, được người dân nhiều nước trên thế giới hưởng ứng như một hình thức giải trí. Không chỉ cá nhân mà nhiều tổ chức doanh nghiệp, cơ quan thông tin đại chúng cũng có lúc tham gia vào những trò đùa ngày Cá tháng Tư khiến nhiều người tin sái cổ.
Cùng điểm lại những cú lừa chấn động trong lịch sử ngày Cá tháng Tư.
Phát hiện sự sống trên Mặt trăng
Cú lừa ngày Cá tháng Tư này là tác phẩm của tờ New York Sun vào 1/4 năm 1835. Tờ báo này đăng bài viết dài của nhà thiên văn học nổi tiếng John Herschel, cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã phát hiện sự sống trên Mặt trăng.
Bài báo miêu tả chi tiết về những đàn bò rừng lang thang ở bình nguyên hay những con ngựa một sừng màu xanh sống trên đồi. Nhờ danh tiếng của nhà thiên văn học này mà đa số người đọc tin tưởng và hào hứng trước “phát hiện lớn” này, cho đến lúc vỡ lẽ bài báo chỉ là trò đùa ngày nói dối 1/4.
Trò lừa sư tử trắng London
Năm 1860, người dân London nhận được lời mời: “Lâu đài Tháp London thân mời mọi người tới dự lễ tắm rửa sư tử trắng thường niên, diễn ra trong ngày 1/4/1860. Chỉ đón khách ở Cổng trắng”.
Trưa 1/4 năm đó, đám đông kéo đến tụ tập bên ngoài lâu đài Tháp London và tiu nghỉu khi biết tin ở đây không hề có một con sư tử nào, huống chi là sư tử trắng.
“Thomas Edison sáng chế ra máy tạo đồ ăn từ… đất”
Ngày Cá tháng Tư năm 1878, tờ báo The Daily Graphic (Mỹ) đưa tin, nhà bác học Thomas Edison đã sáng chế ra chiếc máy có thể chế tạo đồ ăn thức uống như thịt, rau, rượu vang hay bánh quy… từ nguyên liệu đất, nước và không khí. Bài báo mô tả rất sinh động cơ chế vận hành của máy và nói rằng nó sẽ giúp giải quyết được nạn đói cho nhân loại.
Tuy nhiên, Thomas Edison không tức giận mà chỉ gửi thư đến tòa soạn với vài từ: “Thật là ngoạn mục”. Thật ra, ngay dưới bài báo đã có câu chú thích rằng đây chỉ là trò đùa, nhưng một số độc giả lười, không đọc hết nên đã gửi đơn đặt hàng đến Edison.
Cú lừa ngày tận thế
Ngày 31/3/1940, viện Franklin ở Philadelphia (Mỹ) ban hành một thông cáo báo chí rằng cả thế giới sẽ bị hủy diệt vào ngày hôm sau, tức là ngày 1/4.
Sự việc thậm chí còn được đài phát thanh KYW của Mỹ đưa tin với những lời bình luận vô cùng nghiêm trọng rằng: “Các nhà khoa học đã dự đoán và nói ra nỗi sợ hãi nhất của con người, rằng thế giới sẽ kết thúc vào lúc 15h. Và đây không phải là trò đùa cho ngày Cá tháng Tư”.
Chính quyền địa phương thời điểm đó đã phải đối phó với vô vàn cuộc điện thoại để hỏi về sự cố sắp xảy ra. Sự hoảng loạn chỉ lắng xuống sau khi viện Franklin nói rằng họ không hề có dự đoán như vậy. Tất cả chỉ là trò đùa của William Castellini, đại diện báo chí của viện.
Mỳ Spaghetti mọc trên cây
Một trong những trò đùa ngày Cá tháng Tư nổi tiếng nhất mọi thời đại là đoạn video “thu hoạch mỳ Spaghetti” nổi tiếng của đài BBC.
Vào ngày 1/4/1957, một phát thanh viên đưa tin Ticino, một vùng của Thụy Sỹ gần biên giới Italy, đã có “một vụ mùa mì spaghetti đặc biệt bội thu”. Thậm chí trên tivi còn chiếu cảnh những người nhặt sợi mỳ spaghetti trên cây và bụi rậm, sau đó ngồi xuống bàn để ăn.
Thời điểm đó, spaghetti không hẳn là món ăn mà mọi người Anh đều biết đến. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không ai nhận ra phân cảnh này chỉ là một trò đùa.
Một số khán giả khó chịu vì BBC đã phát sóng một đoạn phim hư cấu đùa cợt trong một chương trình tin tức nghiêm túc. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người xem liên hệ với đài hỏi cách tự trồng mỳ spaghetti tại nhà.
Lực hút Trái đất tạm biến mất
Ngày 1/4/1976, trên đài BBC, nhà thiên văn học Sir Patrick Moore nói với thính giả rằng vào lúc 9h47 hôm đó, hiện tượng thẳng hàng tạm thời của Sao Diêm Vương và Sao Mộc sẽ làm giảm lực hấp dẫn của Trái đất, cho phép con người bay lên không trung trong thời gian ngắn.
Không để những người làm chương trình thất vọng, vào lúc 9h48, hàng trăm người gọi đến đường dây nóng của đài và báo rằng họ đang lơ lửng thật sự trong không trung.
Bịa ra cả một quốc gia
Trong ngày Cá tháng Tư năm 1977, tờ Guardian của Anh đã đăng “phóng sự đặc biệt” dài 7 trang về San Serriffe, một nước cộng hòa nhỏ nằm ở Ấn Độ Dương, tạo thành từ nhiều hòn đảo, có hình dấu chấm phẩy. Cùng với phóng sự là một loạt bài báo mô tả chi tiết về địa lý và văn hóa của quốc gia này.
Bài báo khiến dư luận sửng sốt. Trong hôm đó, rất nhiều độc giả gọi điện tới tòa soạn để hỏi cách tới nước San Serriffe du lịch. Tuy nhiên, San Serriffe không tồn tại và cả loạt phóng sự công phu chỉ là một trò đùa nhân ngày Cá tháng Tư.