TÍN DỤNG XANH LÀ GÌ? TRỤ CỘT THEN CHỐT CỦA NỀN KINH TẾ XANH
Tín dụng xanh là một bước tiến quan trọng hướng tới việc định hình lại hệ thống tài chính vì một tương lai bền vững hơn. Nó nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho hành động tập thể chống lại biến đổi khí hậu bằng cách xây dựng những thói quen thân thiện với môi trường.
Tín dụng xanh là gì?
Tín dụng xanh (Green Credit) là các khoản vay xanh mà các tổ chức tín dụng cho vay nhằm tài trợ hoặc tái tài trợ cho một phần hoặc toàn bộ dự án xanh. Các khoản vay xanh thường là khoản vay có kỳ hạn hoặc tuần hoàn. Một số định nghĩa khác cũng cho rằng, tín dụng xanh là các dòng vốn tín dụng hướng đến các hoạt động không gây ô nhiễm môi trường sinh thái, thiết lập trạng thái cân bằng của các điều kiện tự nhiên, hướng cuộc sống của con người trở nên hài hòa với môi trường tự nhiên.
Hay có thể định nghĩa lại một cách dễ hiểu như sau, tín dụng xanh là một giải pháp tài chính nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Nó bao gồm các khoản vay được ngân hàng cung cấp cho các dự án, hoạt động hoặc cá nhân có tác động tích cực đến môi trường, như năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững,…
Thuật ngữ tín dụng xanh chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam, nhưng đã phát triển từ lâu với các nước lớn trên thế giới, trong đó phải kể đến các dự án tiết kiệm năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, công nghệ xanh,…
Đặc điểm của tín dụng xanh
Tín dụng xanh là một công cụ tài chính quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Một số đặc điểm chung của tín dụng xanh tại các Ngân hàng hiện nay bảo gồm:
- Tập trung vào việc hỗ trợ các dự án và hoạt động có tác động tích cực đến môi trường. Các yếu tố cần xem xét bao gồm giảm khí thải, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ đa dạng sinh học và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên.
- Các tổ chức tài chính xanh thông qua việc áp dụng các tiêu chí xanh để xác định dự án và hoạt động phù hợp. Các tiêu chí này có thể bao gồm việc đánh giá tác động môi trường, quản lý rủi ro môi trường, sử dụng tài nguyên bền vững và tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định liên quan.
- Một số tổ chức tài chính cung cấp chứng nhận xanh cho các dự án và hoạt động tuân thủ các tiêu chuẩn xanh nhất định. Chứng nhận này giúp đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy của các hoạt động xanh, từ đó thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.
- Thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo các dự án và hoạt động không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế mà còn phù hợp với các quy định môi trường và xã hội.
- Khả năng thúc đẩy sự tăng trưởng xanh bằng cách cung cấp vốn tài chính cho các dự án, hoạt động thúc đẩy công nghệ và giải pháp bền vững.
Ví dụ đối với doanh nghiệp, các dự án xanh phải chứng minh được tính minh bạch, hiệu quả, kinh doanh có lợi, có kinh nghiệm dày dạn trong việc phát triển công nghệ xanh tối thiểu 1 năm, đặc biệt là phải chứng minh được đầu ra của sản phẩm. Còn đối với các cá nhân, cần phải chứng minh được năng lực tài chính, hồ sơ tín dụng sạch, không có nợ xấu.
Tầm quan trọng của tín dụng xanh đối với phát triển bền vững
Mối quan hệ giữa môi trường và sự phát triển bền vững có tính chất đặc biệt, khi mà môi trường không chỉ là nền tảng cho sự phát triển diễn ra mà còn là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự phát triển. Trong ngữ cảnh này, ngân hàng đóng vai trò như một cầu nối trung gian, ảnh hưởng gián tiếp đến môi trường thông qua các hoạt động của khách hàng.
Trong hệ thống ngân hàng, công tác quản lý môi trường có điểm tương đồng với việc quản lý rủi ro. Việc kiểm soát chất lượng danh mục các khoản vay không chỉ giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro mà còn tăng cường giá trị và uy tín cho tổ chức. Vì vậy, việc quản lý rủi ro môi trường và xã hội là một trong những trách nhiệm quan trọng của ngân hàng, đồng thời, ngân hàng cũng cần tìm kiếm và khai thác các sản phẩm và cơ hội kinh doanh thân thiện với môi trường một cách tích cực và chủ động.
Hỗ trợ các dự án thân thiện với môi trường
Tín dụng xanh đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy các dự án bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nguồn vốn ưu đãi từ tín dụng xanh giúp các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm thiểu khí thải nhà kính, bảo vệ nguồn nước và đa dạng sinh học. Nhờ đó, góp phần xây dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp cho thế hệ hiện tại và tương lai.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững
Tín dụng xanh gián tiếp góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững. Việc phát triển các ngành công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững thông qua tín dụng xanh sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu chi phí sản xuất. Từ đó, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.
Nâng cao chất lượng cuộc sống
Tín dụng xanh giúp giảm ô nhiễm môi trường bằng cách hỗ trợ các dự án sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, xử lý chất thải, bảo vệ nguồn nước,… Từ đó cải thiện chất lượng không khí và nước, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nó cũng thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình áp dụng công nghệ xanh, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường. Nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, tín dụng xanh còn cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách cung cấp nhà ở xanh, giao thông xanh, giáo dục xanh, y tế xanh,… Nó đảm bảo môi trường sống an toàn, lành mạnh và tiện nghi, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Tín dụng xanh là công cụ hiệu quả để thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Các quốc gia có thể hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, nguồn vốn và công nghệ trong phát triển tín dụng xanh, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và xây dựng một tương lai chung bền vững.
Thực trạng triển khai chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, cuối năm 2022, các tổ chức tín dụng cho vay dự án xanh trong các ngành công nghiệp, bao gồm: Dệt may, nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, vệ sinh môi trường.
Đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng cho các dự án xanh, bao gồm 12 dự án được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) xây dựng và ban hành từ năm 2015, đã đạt gần 500.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ của nền kinh tế. Các dự án này chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, chiếm tỉ trọng cao nhất là 47%, tiếp theo là nông nghiệp xanh, chiếm hơn 30%. Các tổ chức tín dụng thường trực tích cực thực hiện đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội trong quá trình cấp tín dụng, với dư nợ vượt qua con số 2,2 triệu tỷ đồng và hơn 1,1 triệu món vay.
Tại Việt Nam, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các ban, ngành đã ban hành nhiều chính sách phát triển tín dụng xanh, cụ thể như sau:
- Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong các hoạt động cấp tín dụng.
- Quyết định số 1404/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.
- Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh.
- Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì thực hiện hành động số 37 “Hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính – tín dụng của các Ngân hàng thương mại phục vụ tăng trưởng xanh giai đoạn 2013 – 2020”.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ năm 2015 đến năm 2020, tín dụng xanh đã tăng từ mức 71 nghìn tỷ đồng lên 340 nghìn tỷ đồng. Đến ngày 14/4/2021, tổng dư nợ tín dụng tại Việt Nam đã đạt 9,5 triệu tỷ đồng. Sau 6 năm, tăng trưởng của tín dụng xanh đạt 378,9%, với mức tăng bình quân hàng năm là 63,1%. Đây là con số cao gấp ba lần so với tăng trưởng bình quân của tín dụng toàn nền kinh tế. Trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân hơn 25% mỗi năm, vượt xa tốc độ tăng bình quân của tín dụng trên toàn bộ nền kinh tế.
Tuy nhiên, mặc dù có sự gia tăng đáng kể, nhưng tỷ trọng của tín dụng xanh vẫn còn rất thấp, chỉ chiếm 4,32% tổng dư nợ của toàn bộ nền kinh tế do lĩnh vực này do đang trong giai đoạn phát triển. Các khoản vay tín dụng xanh chủ yếu được đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bền vững (chiếm khoảng 46%) và quản lý tài nguyên nước (chiếm khoảng 13%), nhưng gần đây đã có xu hướng mở rộng sang các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu như quản lý chất thải, giao thông và xây dựng bền vững vẫn đang gặp nhiều hạn chế.
Cùng với các kế hoạch và đề án được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra, các Ngân hàng Thương mại (NHTM) đã áp dụng những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh. Điển hình là việc tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực, hướng dẫn các tổ chức tín dụng triển khai hoạt động tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội.
Kết quả là, phạm vi của các gói tín dụng xanh ngày càng đa dạng hơn, và nhiều ngân hàng đã đưa ra các chương trình ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân có ý định vay vốn triển khai các dự án có yếu tố “xanh”. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, các ngân hàng như BIDV, Sacombank, TPBank, Vietcombank, HDBank, Nam A Bank và MBBank có các gói vay đặc biệt. Trong khi đó, đối với nông nghiệp xanh, các ngân hàng như Agribank, Vietcombank, Sacombank, ACB, VietinBank, HDBank và Bac A Bank đã là những cái tên hàng đầu trong việc cung cấp các sản phẩm vay phục vụ cho lĩnh vực này.